Xuân Đinh Dậu 2017 Nói Chuyện Con Gà

User avatar
Tóc Tiên
Bạn thâm giao
Bạn thâm giao
Posts: 1455
Joined: Wed Feb 04, 2015 4:57 am

Xuân Đinh Dậu 2017 Nói Chuyện Con Gà

Postby Tóc Tiên » Sun Jan 08, 2017 4:50 am


Xuân Đinh Dậu 2017 Nói Chuyện Con Gà


Chỉ còn ít ngày nữa là đến Tết ta của dương lịch 2017. Tết ta năm nay là Đinh Dậu-con gà theo hệ thống đánh số Can Chi của người Á Châu da vàng (gồm Trung Hoa, Nhật Bản, Hàn Quốc và Việt Nam). Năm Đinh Dậu lần trước cách đây 60 năm (1957) và năm Đinh Dậu kỳ tới sẽ là 2077. Can Chi là thập thiên can và thập nhị địa chi.

Thập thiên can là:

Giáp, Ất Bình, Đinh, Mậu, Kỷ , Canh, Tân, Nhâm, Quý.

và Thập nhị địa chi là:

Tý, Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất Hợi.

Cứ ghép một Can vào một Chi thì ta sẽ biết tên gọi của năm đó. Như năm nay 2017 là Đinh Dậu, năm con gà lần tới (2029) sẽ là Kỷ Dậu và vòng tính năm (người ta gọi là Hội) sẽ là 60 năm. Cứ đủ một hội (vòng lục thập hoa giáp) thì cách tính tên năm kể trên sẽ quay trở lại từ đầu. Những người chuyên coi số theo khoa tử vi rất rành việc tính năm ta này.

Thông thường hàng năm, cứ đến lượt con vật nào trong thập thiên can và thập nhị chi thì người ta lại nói hoặc viết những chuyện về con vật đó, về năm của con vật đó trong quá khứ. Đây là một kiểu nhớ lại chuyện cũ. Người Việt mình sống ở hải ngoại càng lúc càng nhiều thêm hơn trước rồi thế hệ con cháu sinh ra và trưởng thành ở xứ người thì dần dần, sẽ quên những ngày lễ Tết ta, những con vật của năm dương lịch. Và, đến một lúc nào đó trong tương lai, có thể đám con cháu người Việt mình sẽ chẳng còn ôn cố đến bất kỳ những " năm " của con vật nào nữa.

Vì là năm Đinh Dậu nên Phạm Thắng Vũ (PTV) viết bài này chỉ nói riêng về gà. Trước hết, nói đến gà thì phải nói về thịt và trứng trước. Đây là các món ăn ngon, đắt tiền bên quê nhà nhưng lại rất thường (có khi còn rẻ hơn cá, rau) ở hải ngoại như tại Hoa Kỳ hiện nay. Tại sao? Do kỹ nghệ chăn nuôi của nước này quá hiện đại nên có nhiều gà khác hẳn với thời đại trước đó (chinh phục miền viễn Tây, thời nội chiến), thịt gà vẫn là món ăn đắt tiền. Từ khá lâu, thịt gà và trứng gà đã là thực phẩm chính trong bữa ăn của người dân Hoa Kỳ và vì vậy, chúng phải rẻ tiền. Ngày nay, phương pháp nuôi gà công nghiệp hầu như phát triển rộng khắp trên thế giới và do nhiều tiến bộ về giống, thực phẩm... mà một con gà từ lúc ra khỏi vỏ trứng cho đến khi xuất chuồng tới quầy thịt, thời gian chăn nuôi chỉ còn từ 6 tới hơn 8 tuần lễ, rất nhanh so với gà nuôi thả tự nhiên ngoài vườn (trung bình là 14 tuần lễ). Một con gà cứ để sống trong môi trường thiên nhiên, tuổi thọ của nó sẽ kéo dài từ 6 đến 8 năm. Tuy vậy, từng có một con gà mái già sống được tới 16 năm và nó được ghi vào sách kỷ lục Guinness (World Oldest Chicken-Tuscaloosanews.com). Người dân Mỹ, hằng năm ăn khoảng 40 kg thịt gà/người và do nhu cầu sức khoẻ, lượng thịt gà này sẽ tăng thêm có thể tới 45 kg/năm (ước lượng vào năm 2022). Cũng lý do sức khoẻ cá nhân, nhiều người Mỹ đã chuyển đổi thói quen ăn thịt bò sang thịt gà dù trong thực tế, người dân Mỹ rất ít ăn cá (sợ hóc xương). Có người nói hàng năm số lượng thịt gà dân Hoa Kỳ ăn bằng tổng số gà của các nước thứ ba cộng lại. Hàng năm, toàn thế giới tiêu thụ (ăn) khoảng 50 tỉ con gà. Một con số khổng lồ nhưng tính theo kg thì thịt gà vẫn đứng sau thịt heo (38%0) và thịt bò (32%).

Đó là thịt. Còn trứng gà, cũng do kỹ nghệ nuôi gà phát triển nên ngày nay trứng gà không đến nỗi là của hiếm. Ở Việt Nam, chỉ mới cách đây độ 40, 50 năm thôi, trứng gà mắc tiền so với cá-tôm... và chỉ có những sản phụ (gái đẻ) thuộc gia đình khá giả mới dám bồi bổ bằng trứng gà. Câu: Chim gà-Cá lịch để chỉ trong loài chim thì con gà cho thịt ngon nhất và trong loài cá đó con lịch (môt loài lươn biển). Có người thắc mắc thế giới có bao nhiêu giống gà và chúng từ đâu ra (xuất sứ). Thực sự chúng ta khó mà biết chính xác có bao nhiêu giống gà? Còn nguồn gốc? Cho đến giờ, người ta vẫn cho gà (nuôi ở nhà) nguyên thuỷ là gà rừng và được thuần hoá khoảng 6000 năm trước Tây Lịch. Có người nói gà xuất hiện đầu tiên ở vùng Hoa Nam (Trung Hoa) nhưng có người thì lại cho gà có xuất sứ từ các quốc gia trong vùng bán đảo Ấn Độ. Người thì cho gà có mặt trước hết ở vùng Đông Nam Á... Thật cũng khó mà biết chính xác.

Xin kể một số giống gà đẻ sai trứng trên thế giới như:

- White Rosks: Lông trắng, mỏ và chân vàng, mồng đỏ. Hàng năm đẻ từ 250 đến 312 trứng.

- Anconas: Lông đen chấm trắng, chân và mỏ vàng, mồng đỏ. Hàng năm đẻ từ 220 đến 310 trứng.

- Austria Whites: Lông trắng lốm đốm đen, mỏ và chân màu vàng. Hàng năm đẻ từ 200 đến 320 trứng.

- Leghorn: Lông trắng, chân vàng , mồng đỏ. Hàng năm đẻ từ 280 đến 300 trứng (giống gà nầy đã du nhập vào Việt Nam từ khá lâu rồi).

Sách Kỷ lục Guinness từng ghi một con gà đã đẻ được 371 trứng trong 364 ngày (Craig Glenday, Guinness Book of Records 2011).

Do chúng ta ăn thường xuyên trứng gà nên ít nghĩ đến tầm quan trọng của loại thực phẩm này trong bữa ăn hàng ngày. Giả dụ vì lý do nào đó mà trứng gà biến mất hết (như gà gặp đại dịch và chết sạch hết) thì ta sẽ thấy trứng gà cần thiết như thể nào. Trứng gà quý lắm nhưng vì quá nhiều nên bị coi thường. Gần như các món ăn phải có trứng gà trong đó. Trứng gà cũng biết nó quý nên tự thân (mỗi trái trứng) đã có một lớp vỏ vôi khá cứng che chở bên ngoài (ta thử bóp quả trứng theo chiều thẳng đứng, khó làm nó bể ngay được) và vì vậy, vô tình đã giúp việc vận chuyển cùng cất trữ chúng dễ dàng hơn. Đà điểu là loại gà lớn nhất trong họ nhà chim nên trứng của nó cũng lớn nhất: nặng khoảng 1 kg 4 (tương đương 3 pound) và dài độ cm-rộng 13 cm nên còn được dùng làm bình đựng nước uống. Ngày nay, nhiều trại nuôi đà điểu đã dùng vỏ trứng đà điểu để làm thành đồ mỹ nghệ trong nhà như chụp đèn, bình đựng hoa... Chim Cút tuy không được coi là giống gà nhỏ nhất nhưng được chăn nuôi ở quy mô lớn để lấy trứng tương tự như gà.

Những thuỷ thủ tàu viễn dương, tàu ngầm hoặc các đoàn thám hiểm ở những vùng xa xôi, hẻo lánh... khi được tiếp tế thì trứng gà là một trong các thực phẩm họ cần đến nhất.

Ngoài việc được nuôi làm thức ăn cần thiết cho con người, gà còn được dùng cho giải trí (trò chơi dân gian) nữa. Đó là thú chọi gà. Ở Việt Nam và cả ở một số nước trên thế giới, nhiều người rất thích trò tiêu khiển này. Có nơi, người ta tổ chức chọi gà dưới dạng tranh giải hàng năm hoặc ăn thua công khai bằng tiền bạc nữa. Gà dùng để chọi khác hẳn với loại gà nuôi lấy thịt. PTV xin kê ra tên tuổi của họ hàng gà chọi (chỉ riêng Việt Nam thôi) là:

Gà nòi:

Thuộc nhóm gà to con, đầu trọc, da đỏ, chân cao, lông thưa. Có dáng vẻ hùng dũng, oai vệ (với loài gà). Ở Việt Nam, hầu như mỗi vùng đều có những giống gà nòi nổi tiếng như sau:

Miền Nam có gà Cao Lãnh (Đồng Tháp), gà Chợ Lách (Bến Tre), gà Châu Đốc (An Giang), gà Bà Điểm (Hốc Môn-Gia Định cũ)... Miền Bắc thì có gà Thổ Hà (Bắc Giang), gà Đồ Sơn (Hải Phòng), gà Nghĩa Đô-Vân Hồ (Hà Nội)... Miền Trung thì có gà Phan Rang (Ninh Thuận), gà Vạn Giã (Khánh Hoà), gà Sông Vệ (Quãng Ngãi), gà Bình Định...

Năm 1990, đã có người mang được gà nòi Việt Nam ra ngoại quốc để nhân giống nhưng tại Hoa Kỳ, loại gà nòi này vẫn chưa được công nhận là một giống gà tiêu chuẩn.

Gà tre:

Thuộc nhóm gà nhỏ con nhất (trọng lượng thường từ 600 gram đến gần 1 kg là tối đa), có bộ lông bóng mượt khá dài và ôm sát thân. Màu lông giống gà này hiện nay có thêm nhiều loại mới do lai tạp với các giống gà khác mà ra. Trước kia, gà tre được nuôi để làm cảnh trong nhà nhưng nay, chúng đã được nuôi để chọi.

Theo nhiều học giả, thú chọi gà tại Việt Nam đã có từ thời nhà Lý. Binh sĩ của danh tướng Lý Thường Kiệt (1019-1105) đã mang về nước trò tiêu khiển này sau những lần chinh phạt Chiêm Thành (Vương quốc Champa, từng tồn tại ở miền Trung Việt Nam hiện nay từ năm 877 đến 1693).

Những người thích trò chơi chọi gà (có nơi gọi là đá gà) thì đều biết muốn có gà hay (đá giỏi) phải chọn giống tức tông mái. Tông mái bao gồm gà mái nòi và gà trống nòi. Gà trống nòi tức gà cha thì phải lựa từ con gà đá đã ăn nhiều độ, chưa (hoặc ít) thua và khi so cựa, nó có nhiều thế hay. Gà mái nòi (gà mẹ) cũng được lựa từ những con mái khoẻ mạnh của cặp gà đá giống mà ra. Thường gà mái nòi, chủ không bán mà chỉ tặng cho thân nhân, bạn bè (cũng dân đá gà) để giữ giống mà thôi. Khi có gà mẹ gà cha giống rồi thì đám gà con (từ trứng ấp nở ra) cũng chỉ tuyển được một vài gà tài là cùng. Dân đá gà thường truyền tụng về các tướng gà (cho gà đá hay) qua việc chọn theo mầu lông gà như: Nhất điều ô, nhì xám khô, ba ô ướt hoặc gà Ô chân trắng mỏ ngà - Đá đâu thắng đấy chính là thần kê. Gà Ô là gà lông đen tuyền, gà Điều là gà lông đỏ, Điều-Ô là gà lông đỏ nhưng có ánh đen, gà Nhạn là gà lông trắng, gà Chuối là gà lông có nhiều mầu vàng-trắng-đỏ-nâu... như thân cây chuối. Có người biết chọn gà đá hay qua quan sát những vẩy nằm ở hai chân con gà. Vẩy tứ trụ, vẩy liên chu, vẩy liên giáp, vẩy trường thành, vẩy huỳnh kiều, vẩy giao long, vẩy lục đinh... Quá nhiều loại vẩy và phải là dân trong nghề đá gà thì mới biết xem vẩy để chọn ra gà hay. Người ta cũng nói về những con gà đá có vẩy rất nhỏ nằm núp dưới một vẩy của ngón chân nội hoặc ngoại. Đây là vẩy yểm long và gà có vẩy này sẽ đá rất hay, khi lâm trận nó sẽ tung nhiều đòn hiểm. Chọn gà đá hay còn xem cả cách đi, dáng đứng của con gà nữa. Có câu: " Nhất thời hốt cát vãi ra - nhì thời lắc mặt - thứ ba né lồng ". Hốt cát vãi ra là khi con gà bước đi, các ngón chân chụm lại quăng về phía trước. Lắc mặt là khi đi hoặc đứng hay đang thi đấu, con gà luôn luôn lắc mặt (ngoạitrừ khi nó ngủ). Gà né lồng là gà khi người chủ úp cái lồng gà lên nó, nó thường bò sát đất né cái bóng của lồng úp. Có người chọn gà đá hay bằng cách quan sát con gà khi nó ngủ. Nếu gặp con gà ngủ trên cây, thòng đầu xuống đất hoặc ngủ dưới đất nhưng lại trải dài cổ và xoải cánh ra thì đó là các con gà đá gan dạ, chịu đòn và cho các thế hiểm. Cũng có khi giao tranh (độ gà) thì chủ mới biết được gà mình có ẩn tài như mới xáp trận được vài hiệp, nó đã vội bỏ chạy để đối phương phải đuổi theo và đột ngột gà này quay lại, đá tạt vào mặt làm đối phương (gà) đui mắt, rách diều phải thua. Loại gà đá này được gọi là gà chạy kiệu, rất quý nhưng có lẽ quý nhất là gà biết sinh thế, tức con gà biết nương theo các thế đá của đối phương để đánh trả được. Đúng là kỳ kê tắc hữu kỳ kê trị.

Tuy con gà đá nào cũng được người chủ lựa theo dáng dấp (tướng gà) cùng mầu lông và vẩy nhưng chỉ khi thua trận (nằm lăn quay ra chết trên sân của trường gà), gà đó mới lộ ra bộ lông Hường Tâm và rồi khi cầm con gà lên xem chân cho kỹ, người chủ mới biết: " Cái vẩy Kỳ Ra nằm rành rành đây mà mình không dè. Độ gà này thua là phải ".

Cứ năm con gà thì người ta gọi là năm Dậu và đã có nhiều năm Dậu trong quá khứ rồi nhưng với lịch sử Việt thì hầu như ai cũng nhớ nhiều về năm Dậu 1945. Năm này, tên âm lịch là Ất Dậu, gắn liền với một thảm hoạ do con người gây ra, đó là nạn đói tại miền Bắc Việt Nam. Ước tính có khoảng 2 triệu người bị chết đói (đa số là dân quê) trong khoảng cuối năm 1944 đến tháng 5 - 1945. Lý do từ hai nguyên nhân. Thứ nhất là thời tiết do năm đó bị lũ lụt, thêm nạn sâu bệnh gây mất mùa lúa tại miền Bắc. Thứ hai là do phát xít Nhật (khi đó đã có mặt ở Việt Nam) và thực dân Pháp đua nhau thu vét hết lúa gạo (sau này là bắp, khoai) của dân quê miền Bắc để phục vụ nhu cầu riêng của chúng. Thực dân Pháp tích trữ gạo để chờ quân đồng minh đổ bộ vào nước Việt thì có sẵn nguồn lương thực cho quân đội. Phát xít Nhật thu gom gạo để quân đội chúng ăn và để chở về tiếp tế cho chính quốc. Đã vơ vét lương thực, phát xít Nhật còn ra lệnh cấm vận chuyển lúa gạo từ miền Nam ra cộng với việc cầu đường, hải cảng bị phi cơ của quân đồng minh oanh kích hư hại nặng nên việc giao thông bị đình trệ hẳn, lúa gạo dư thừa trong miền Nam không thể chuyên chở (bằng tàu buồm, bằng xe lửa...) ra cứu giúp cho miền Bắc được (đành phải bán rẻ cho thương lái để nấu rượu hoặc chở tới nhà đèn đốt lò thay cho than đá Hòn Gai-Cẩm Phả). Chính hai nguyên nhân này đã dẫn đến nạn chết đói thương tâm kể trên (có làng quê, dân chết đói sạch không còn một người sống sót).

Trở về trước nữa thì năm Kỷ Dậu 1789 gắn liền với các trận đánh tan quân nhà Mãn Thanh (do Tôn Sĩ Nghị chỉ huy) của quân nhà Tây Sơn do vua Quang Trung-Nguyễn Huệ (từ trong miền Nam kéo ra) điều binh. Ước tính (tuy chưa rõ ràng) trận Kỷ Dậu 1789 oanh liệt này, quân nhà Mãn Thanh bị quân nhà Tây Sơn giết chết tại trận khoảng 40,000 người dù Tôn Sĩ Nghị tuyên bố tổng số quân Thanh là 50 vạn người cộng với phu phục dịch lính cũng 50 vạn (mỗi người lính có một người phu đi theo phục dịch) thì tổng số cả lính lẫn phu là 1 triệu người nhưng các sử gia cho Tôn Sĩ Nghị đã nói quá lực lượng của mình (hư thanh trương thế) trong thời kỳ đó.

Có những câu chuyện liên quan tới con gà, PTV kể ra đây để quý bạn đọc cho vui nhân ngày Tết ta Đinh Dậu.

Huyền sử kể rằng khi còn hàn vi, Trịnh Kiểm (1503-1570), người làng Sóc Sơn huyện Vĩnh Lộc tỉnh Thanh Hoá, mồ côi cha (khi mới 6 tuổi) và chỉ còn mẹ mà người mẹ lại rất thích ăn thịt gà. Nhà nghèo nên Trịnh Kiểm thường đi bắt trộm gà của người trong làng về làm thịt cho mẹ ăn. Dân làng biết nhưng không bắt được quả tang để làm tội. Trong một lần Trịnh Kiểm phải vắng nhà vài ngày, dân làng mới bắt người mẹ đem giết và vất xác xuống sông. Xác mẹ Trịnh Kiểm nổi lên và tấp vào một bãi đất rồi đất đó đùn lên mãi (do giống mối) thành to như một cái gò nhỏ. Có một thầy địa lý Tàu đi ngang, nghe chuyện liền đến xem cái gò đất và bảo: " Phi đế phi bá - Quyền khuynh thiên hạ - Truyền tộ bát đại - Tiêu tường khởi vạ, nghĩa là: Chẳng vua chẳng quan - Quyền nghiêng thiên hạ - Truyền được tám đời - Trong nhà dấy vạ ". Chẳng vua chẳng quan mà quyền khuynh thiên hạ ở đây chính là nghiệp nhà Chúa. Trịnh Kiểm chính là người đầu tiên trong sử Việt tạo ra một ngôi vị mới (Chúa) trong chốn triều đình (thời Trịnh - Nguyễn phân tranh) mà trước đó và sau này, nước Việt không có.

Cao Lãnh là một quận của tỉnh Kiến Phong (hiện nay là tỉnh Đồng Tháp) vốn nổi tiếng vì có nhiều giống gà chọi bản địa đá hay. Một chủ gà ở trong vùng có vài con gà đá nổi tiếng do cho lai giống với gà đá Miên (Khmer). Viên quận trưởng Cao Lãnh đến tận nhà ông này xem những con gà đá đó. Ông chủ gà mới tặng cho viên quận trưởng một con gà đá hay (trong số gà đang có) của mình. Viên quận trưởng mang con gà đá đó về Sài Gòn và... tặng lại cho ông Phó tổng thống nổi tiếng thích đá gà. Chuyện chỉ có vậy nhưng đám Việt Cộng trong vùng Cao Lãnh biết sự việc và đã giết ông chủ gà với tội danh: " Tiếp tế cho Nguỵ quyền ". Người kể chuyện bảo đám Việt Cộng làm án tử cũng là những kẻ mê đá gà trong vùng nên ganh tức (vụ cho gà đá hay) mà ra.

Khi còn tạm dung ở trại tị nạn Galang, PTV biết có một bà ăn mừng chuyện sắp rời trại để định cư nước thứ ba. Bà ta làm bữa tiệc nhỏ trong ngày thứ Sáu cuối tuần và mời bạn bè đến chung vui. Không may khi ăn, bà mắc mẩu xương gà nơi cuống họng mà không sao lấy ra được và nó đã làm mủ. Bệnh viện trong trại không đủ phương tiển để mổ nên bà phải chờ cho đến ngày thứ Hai mới có tàu chuyển đi cấp cứu (tàu chở nhân viên Cao Uỷ Liên Hiệp Quốc và các phái đoàn nhận người của nước thứ ba đến Galang làm việc). Bà này được đưa vào nhà thương ở đảo Tanjung Pinang cách đó trên 50 km nhưng do mẩu xương gà làm độc (abces) gây hoại tử cuống họng nên không chữa được. Bà đã chết vì cái xương gà.

Pierre Pasquier (1877-1934) là tên của một tay thực dân Pháp tại Việt Nam. Tên này đến nước Việt khởi đầu chỉ là một công chức bình thường rồi dần dà y thăng chức Khâm sứ Trung kỳ (đại diện chính quyền thực dân Pháp ở Huế) và sau cùng (năm 1928), y là Toàn quyền Đông Dương (thay thế cho Alexandre Varenne). Trong thời gian y giữ chức Toàn quyền Đông Dương (1928-1934) nước Việt đã xẩy ra vụ khởi nghĩa tại Yên Bái của Việt Nam Quốc Dân Đảng (do Nguyễn Thái Học chỉ huy) nhưng thất bại. Kết quả 13 người bị tử hình (cả Nguyễn Thái Học) và hàng ngàn người khác bị lưu đày tại nhà tù Côn Đảo. Khi thôi chức toàn quyền Đông Dương, Pierre Pasquier về nước và chết trong chuyến bay ở Corbigny thuộc Nievre-Pháp ngày 15 tháng 1 năm 1934 (máy bay chở 10 người). Vụ rớt máy bay của Pierre Pasquier trong Sấm ký của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) có ghi câu: " Giữa năm hai bẩy mười ba - Lửa đâu mà đốt tám gà trên mây ", tương truyền có liên can tới cái chết này. Xem lại lịch cũ, ngày 15 tháng 1 năm 1934 tức là ngày thứ Hai, mồng Một tháng Chạp (12) năm Quý Dậu. Tám Gà tức Bát Kê mà Bát Kê đọc như âm Pasquier và năm đó (dương lịch 1934) đối chiếu sang âm lịch tức năm Quý Dậu nhuận có 2 tháng bẩy nên thành 13 tháng. Nếu chuyện này có thật thì ta không hiểu làm sao mà cụ Trạng Trình lại biết được tên của toàn quyền Pierre Pasquier trong tai nạn máy bay này? Người ta bảo, các vị như cụ Trạng Trình- Nguyễn Bỉnh Khiêm có khả năng đặc biệt là nhìn thấy, nghe thấy những sự việc của con người sau thời đại cụ hàng trăm năm (vị lai). Ở đây, cụ thấy tai nạn máy bay bị rớt đó cùng đã nghe thấy cái tên Passquier (các nạn nhân khi trò chuyện gọi nhau) mà ghi trong Sấm ký. Tương tự như với nhà tiên tri Nostradamus (1503-1566) của nước Pháp đã tiên đoán về thảm hoạ nguyên tử ở Hiroshima và Nagasaki khi ông ghi (trong thi tập Les Propheties-Những lời tiên tri) câu: " Ngày đó, tại phương Đông, hai ngọn lửa bùng lên cao ngất mà chưa từng bao giờ xẩy ra như vậy đã làm rất nhiều người toi mạng ". Tất nhiên chỉ khi sự việc xẩy ra rồi thì người ta mới biết ý nghĩa của câu Sấm.

Trong văn chương Việt, có khá nhiều thành ngữ-tục ngữ liên quan đến con gà, xin kể một số câu như: Hóc xương gà-sa cành khế, Gà què ăn quẩn cối xay, Gà nhà bôi mặt đá nhau, Gà trống nuôi con, Gà mở cửa mả, Bút sa gà chết, Mặt gà mái, Đầu gà hơn đít trâu, Gà cậy gần chuồng, Giết gà doạ khỉ, Vắng chủ nhà-gà vọc niêu tôm... thì hầu như người trưởng thành nào cũng biết ý nghĩa của từng câu nhưng PTV đã thử hỏi với vài người trẻ Việt lớn lên ở Hoa Kỳ (các quốc gia khác chắc tương tự), hầu như ít ai biết ý nghĩa thật.

Gà là con vật gần như duy nhất để dân Việt (dân kinh hay dân thiểu số) dùng làm vật cúng bái thần thánh (ở đền, miễu thờ) hay trong ngày kỵ giỗ gia tiên trên bàn thờ. Tại sao người ta không dùng con tôm, con cua, con vịt, con cá, bồ câu... để cúng kiến? Những con vật kể trên cũng trong tầm tay của người dân chứ khó kiếm đâu. Có người nói việc chọn con gà trong cúng kiến từ tục bói gà mà ra. Bói gà (tức kê bốc, kê túc), trong quyển Việt Nam Phong Tục cụ Phan Kế Bính đã viết: " Người có tật bệnh làm lễ, hoặc người xuất hành đi đâu, hoặc làm lễ cầu khẩn việc gì, thường dùng gà giò (gà sống ba bốn thang), rửa chân cho sạch, khấn khứa rồi mới cắt tiết gà làm thịt. Đôi giò gà trần qua nước sôi đem ra, chớ luộc chín quá thì nát ra, gọi là phá quản không xem được. Luộc gà chín đem lễ, và lễ cả đôi chân giò. Lễ xong thì xem. Xem giò phải coi ngón chân trỏ chỉ vào đâu, chỉ vào ngón trong, thuộc việc trong nhà; chỉ vào ngón giữa, thuộc về chủ thần; chỉ vào ngón ngoài thuộc về người ngoài; chỉ vào các khe ngón chân thì gọi là chỉ không, không ứng nghiệm việc gì cả. Trong giữa bàn chân nó gọi là trung cung được đầy đặn thì cửa nhà phong vận, lõm xuống thì tất bị khổ sở. Lại phải xem huyết điểm đỏ hồng hào là tốt, mà xám là xấu. Trong ba ngón chân tám đốt chung quanh chia làm tám cung: Kiền-Khảm-Cấn-Chấn-Tốn-Ly-Khôn-Đoài theo phương vị trong Dịch Lý, mỗi cung chỉ riêng một việc, hễ huyết điểm đọng vào cung nào thì việc hay dở nghiệm về cung ấy".


Image


Khi viết đến đây, hình ảnh các cụ già cầm đôi chân gà ra xem trong các ngày Tết đã trở về với ký ức của PTV. Thời bây giờ, hầu như rất hiếm hình ảnh bói chân gà ngày lễ Tết như ngày xưa nữa.

Nói chuyện về gà thì thôi, còn nhiều lắm, kể không xiết... PTV còn nhớ đến các câu đố về gà xin kể dưới đây để kết thúc bài viết của mình. Quý bạn đọc và tìm đáp số hộ.

1. Mua Gà

Có người đem bạc một trăm
Muốn mua cho đủ một trăm con gà
Gà con năm cắc chẳng ngoa,
Gà giò tuy rẻ cũng ra năm đồng.
Gà cồ mắc nhất mười đồng
Hỏi mua mỗi thứ đặng hòng mấy con?

Ghi chú: năm cắc = nửa đồng, Gà cồ là gà trống.

2. Gà - chó bó chung

Gà chó một bó buộc nhàu
Băm sáu cái đầu, cẳng được một trăm.
Xin anh tính thử kẻo lầm
Chó gà mỗi thứ, đặng nhằm mấy con?



Phạm Thắng Vũ
Jan 07, 2017.

Return to “Lịch sử & văn hóa VN”

Who is online

Users browsing this forum: No registered users and 1 guest