Chữ Nôm và Tinh thần dân tộc

User avatar
Tóc Tiên
Bạn thâm giao
Bạn thâm giao
Posts: 1455
Joined: Wed Feb 04, 2015 4:57 am

Chữ Nôm và Tinh thần dân tộc

Postby Tóc Tiên » Wed Apr 01, 2015 4:45 am



Chữ Nôm và Tinh thần dân tộc



Nguyễn Hữu Vinh





Trong lịch sử, việc dùng chữ Hán chính thức trong tầng lớp cai trị đất nước là điều dễ hiểu, nhưng chữ Hán là thứ chữ ngoại lai, nên sự hình thành, phát triển và sử dụng chữ Nôm như là một loại chữ viết thích hợp hơn cho dân tộc là một điều không thể thiếu và bức thiết. Chữ Nôm hình thành từ lúc nào còn đang là đề tài nghiên cứu, nhưng không ai phủ nhận được rằng chữ Nôm đã đơm hoa kết trái bắt đầu từ thời đại nhà Trần huy hoàng trong lịch sử ở thế kỷ thứ 13.



Chữ Nôm và sự phát triển các tác phẩm Nôm biểu hiện rõ rệt sự lớn mạnh về ý thức tinh thần quốc gia dân tộc. Ý thức này không tùy thuộc vào sự biến đổi của vương triều vua chúa. Dù triều đại đổi thay nhưng nền văn học chữ Nôm vẫn lớn mạnh theo ý thức tinh thần quốc gia dân tộc. Qua một thời gian rất dài trong lịch sử chữ Nôm, dù chính là phương tiện cần thiết của các tầng lớp nhân dân trong xã hội ta, chữ Nôm chỉ lưu hành rộng rãi trong dân gian, nhưng chưa được điển chế đẻ trở thành chữ viết chính thức của quốc gia. Rõ ràng sau mỗi lần đương đầu với ngoại xâm thì chữ Nôm lại phát triển mạnh. Sau khi đánh đuổi được quân Minh thì nền văn học Nôm cũng lớn mạnh thêm lên, điển hình là Nguyễn Trãi với Quốc Âm Thi Tập. Sau khi nhà Thanh bị đánh bại, thì chữ Nôm lại được trọng dụng vào thời Tây Sơn. Trong thời gian dài không có ngoại xâm thì chữ Nôm là phương tiện truyền đạt tình cảm, và sinh hoạt làng xã. Với ý thức hệ “phép vua thua lệ làng” thì dù tầng lớp vua chúa có ép buộc chăng nữa, như chúa Trịnh đã có lần cấm đoán, thì chữ Nôm vẫn có môi trường bành trướng mạnh mẽ.



Ý thức quốc gia cũng thấy rõ rệt trong việc cải tiến chữ Nôm qua suốt thời kỳ từ Trần cho đến thời Nguyễn. Vào thời Trần và các thời đại về sau như Lê sơ, Mạc thì chữ Nôm vẫn còn dùng rất nhiều chữ giả tá, nghĩa là chữ Nôm mượn hình dáng chữ Hán có sẵn để ghi âm Nôm, nhưng đến thời sau này thì số lượng chữ Nôm giả tá giảm nhiều trong lúc loại chữ Nôm hình thanh, là loại chữ có một không hai của Việt Nam thì cứ tăng dần rõ rệt. Nhìn từ phía cấu trúc chữ Nôm, những phép cấu tạo chữ của chữ Nôm đã vượt qua khỏi phép Lục thư của chữ Hán, đã nói lên sự cố gắng tạo chữ đặc thù khác với phương pháp dùng cho chữ Hán, mang một tinh thần dân tộc riêng chứ không nhất nhất đều phải rập theo khuôn khổ chữ Hán.



Với bối cảnh lịch sử mới vào đầu thế kỷ 20, chữ Nôm lùi bước nhường cho chữ Quốc ngữ. Vì tính cách dễ học, dễ nhớ, so với chữ Nôm khó học, khó nhớ nên dễ dàng được chấp nhận. Trong quan niệm thông thường, đó không phải là hai loại chữ Pháp và chữ Hán ngoại lai, lại là phương tiện nhanh chóng để nâng cao dân trí, cho nên sự việc chữ Nôm tàn lụi cũng phù hợp với tinh thần dân tộc.



Qua đầu thế kỷ 21, với kỹ thuật máy tính mới, chữ Quốc ngữ và chữ Nôm đều được dần dà đưa lên xử lý và hiển thị được trên máy tính. Việc bảo tồn và phát huy tinh thần dân tộc tiềm tàng trong di sản Nôm sẽ có cơ hội phát triển nhanh chóng. Ðây là môi trường thích hợp và là cơ hội tốt cho những ai có lòng hoài bão đến di sản quý báu và đang dần dà bị vùi lấp này.



Chữ Hán, chữ Nôm




Từ thế kỷ thứ 7 sau Công Nguyên và cho đến khoảng thế kỷ thứ 10, chữ Hán thâm nhập vào hoạt động văn hóa, tinh thần của người Việt nhờ vào một hoàn cảnh đặc biệt đó là sự truyền bá đạo Phật. Có thể nói, vì do việc hấp thụ giáo lý đạo Phật nên việc học tập chữ Hán trong giai đoạn này là điều cần thiết. Ðến thế kỷ thứ 10 về sau, khi Nho giáo truyền vào Việt Nam, nếu như trong giai đoạn trước việc học tập chữ Hán chủ yếu dùng để hiểu biết giáo lý, tra cứu kinh điển của đạo Phật thì sau này việc học tập chữ Hán trở thành một nhu cầu chính thống và rộng rãi, không những chỉ dùng để ghi chép các công việc quản lý hành chính mà nó còn có vai trò quan trọng trong hệ thống thi cử nho học xưa kia. Sự kiện quan trọng trong quá trình du nhập của Nho giáo đó là việc được ghi trong Đại Việt Sử Ký Toàn Thư "Năm Canh Tuất, niên hiệu Thuần Vũ thứ hai năm 1070 đời Lý Thánh Tông, mùa thu tháng tám cho xây Văn Miếu, dựng tượng Khổng Tử, Chu Công và Tứ phối, vẽ tượng 72 người hiền, bốn mùa cúng tế. Hoàng thái tử đến học ở đây”. Việc cho xây dựng Văn Miếu đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc học tập và sử dụng chữ Hán. Từ đó, chữ Hán đã trở thành chữ viết chính thức trong gần 1000 năm, kể từ năm 1075 sau khi vua Lý Nhân Tông cho mở khoa thi Nho học đầu tiên, cho đến năm 1919 là năm mở khoa thi cuối cùng ở Huế.



Việc dùng chữ Hán chính thức trong tầng lớp cai trị đất nước là điều dễ hiểu, nhưng chữ Hán là 1 loại chữ ngoại lai, không thích hợp với đại đa số dân chúng dùng để biểu đạt ý tưởng trong cuộc sống thường ngày. Ngay cả trong cung đình, nơi tập trung các quan lại văn hay chữ tốt, chữ Hán là công cụ chính thức để truyền đạt tư tuởng, nhưng cũng không phải là không gặp trở ngại. Sự việc vua Trần Nhân Tông dùng quan Hành Khiển để dịch những lời truyền dụ của vua quan cho dân chúng thì rõ. Sau khi đại thắng quân Nguyên, vua Trần Nhân Tông tuyên cáo cho dân chúng biết, Đại Việt Sử Ký Toàn Thư ghi rằng … Lệ cũ, mỗi khi tuyên đọc lời vua, thì viện Hàn lâm lĩnh đưa bản thảo tờ chiếu cho quan Hành Khiển để giảng tập trước. Đến khi tuyên đọc, thì giảng cả âm nghĩa cho dân thường dễ hiểu…

Sau này, Nguyễn Trường Tộ (1828-1871) trong “Tế cấp bát điều “, có nêu rõ sự bất tiện của chữ Hán và đề nghị dùng chữ Nôm như chữ chính thức. Gần hơn nữa, Tuy Lý Vương, một nhà Hán học, văn hay chữ tốt, nhưng cũng ý thức được sự tiện lợi trong việc truyền đạt tư tưởng bằng chữ Nôm cho quần chúng nên đã viết “Nữ Phạm Diễn Nghĩa Từ” bằng chữ Nôm. Cũng như Hường Nhung, con của Tuy Lý Vương đã viết “Việt Sử Tứ Tự Ca”, tóm tắt sử Việt bằng chữ Nôm với lời văn đơn giản để cho con cháu hiểu biết được một cách dễ dàng và nhanh chóng.

Chính vì chữ Hán là thứ chữ ngoại lai, nên sự hình thành, phát triển và sử dụng một loại chữ viết thích hợp hơn cho dân tộc là một điều không thể thiếu và bức thiết. Do vậy chữ Nôm xuất hiện song song với sự phát triển việc dùng chữ Hán.



Tinh thần dân tộc thúc đẩy chữ Nôm ra đời



Chữ Nôm là một sáng tạo rất có ý nghĩa của tổ tiên cha ông ta. Sự xuất hiện của chữ Nôm là một sự kiện lớn đánh dấu sự tiến triển của nền văn hóa của dân tộc trong gần 2000 năm qua. Sự hình thành của chữ Nôm có thể do sự bức bách cần thiết trong việc giáo hóa dân chúng ở vào thời đại xa xưa, Văn Ða cư sĩ (1) cho rằng Nhâm Diên đã dùng chữ Nôm trong công việc giáo hóa quần chúng. Càng về sau, mỗi lần đất nước bị kẻ thù phương Bắc xâm lược thì trong những thời kỳ đó, chữ Nôm lại đóng vai trò tích cực hơn trong việc chống trả ngoại xâm và xây dựng đất nước. Có người căn cứ trên hai chữ Bố Cái cho rằng chữ Nôm có từ thời Bố Cái Ðại Vương Phùng Hưng. Có người căn cứ trên ba chữ Ðại Cồ Việt để cho rằng Nôm có từ thời Ðinh Tiên Hoàng. Ðào Duy Anh cho rằng chữ Nôm có thể hình thành ngay vào lúc họ Khúc dấy nghiệp (8), rồi dần dà phát triển mạnh ở các thời đại về sau. Cho đến hôm nay, nguồn gốc và diễn biến của chữ Nôm vẫn là chuyện tồn nghi.



Keng Hui Ling (17) cho rằng từ đời Tần cho tới thời trước khi loạn 12 sứ quân thì xã hội Việt Nam thời đó nằm trong khuôn khổ chính trị, tập quán, văn hóa của Trung Quốc. Những khởi nghĩa chống lại Trung quốc cũng chỉ lẻ tẻ. Các phần tử trung kiên của xã hội vẫn một lòng chấp nhận văn hóa, tập quán, phong tục của Trung Quốc, nhưng đến thời Ngũ Ðại với loạn 12 sứ quân thì sự việc đã bắt đầu đổi khác. Sự khống chế từ phương Bắc yếu dần thì các thế lực địa phương bắt đầu lớn mạnh.



Tuy nhiên, sự phân ly giữa các thế lực này đối với phương Bắc cũng chỉ nằm trong vòng tranh dành quyền thế ở địa phương chứ chưa chính thức có ý thức tinh thần dân tộc và ý thức quốc gia rõ rệt. Ðợi khi tới đời Ðinh, Lý thì mới thực sự hình thành khái niệm ý thức quốc gia. Việc định đặt quan chế, xây dựng kinh đô vào thời nhà Lý đã tăng mạnh thêm ý thức quốc gia. Ðạo Phật lớn mạnh vào thời Lý làm cho ý thức này lan rộng vào cả toàn dân. Cuối cùng, đời Trần thừa hưởng di sản đó, ý thức quốc gia bắt đầu vững mạnh thêm. Ðây chính là lúc đất nước xây dựng tất cả mọi mặt. Song song với sự tiến triển của xã hội Việt Nam do sự tiếp thu và sử dụng chữ Hán trong tầng lớp quan lại thì chữ Nôm đóng vai trò truyền đạt văn hóa trong dân gian một cách hữu hiệu và xác thực hơn. Cheng Chin Ho (6) cho rằng chữ Nôm chỉ có thể được hình thành vào khoảng thời gian khi đất nước thoát khỏi ách thống trị của phương Bắc.



Năm 1975, Ðào Duy Anh phát hiện ra chứng cứ xưa nhất về chữ Nôm được sử dụng đó là việc tìm thấy vết tích của tấm bia của vua Lý Cao Tông (8). Ðây là một chứng cứ xác đáng nhất chứng minh việc chữ Nôm ảnh hưởng rõ rệt vào đời sống trong dân gian. Rồi sau đó phát triển khá vững vàng vào thế kỷ 13, điển hình là có các bài phú chữ Nôm của Trần Nhân Tông còn để lại như là Đắc Thú Lâm Tuyền Thành Ðạo Ca", "Cư Trần Lạc Ðạo Phú" và "Vịnh Vân Yên Tự Phú" trong bản in "Thiền Tông Bản Hạnh". Năm 1932, Văn Hựu (5), nhà nghiên cứu chữ Nôm nổi tiếng ở Trung quốc cho rằng chữ Nôm chỉ có thế phát triển một cách hoàn hảo sau khi hệ thống loại chữ Khải của chữ Hán ra đời, chính là vào khoảng thời gian trong triều đại Lý, Trần của Việt Nam. Nguyễn Tài Cẩn (10) dưới mắt ngữ âm học lịch sử nhìn sự liên quan giữa vần và thanh điệu của âm Hán Việt với âm Nôm kết luận rằng “Loại chữ Nôm hiện có là là một loại chữ không thể nào hình thành đồng thời hay sớm hơn thời Sĩ Nhiếp. Chỉ từ thế kỷ 8, 9 trở đi, nghĩa là sau khi hệ thống phát âm Ðường, Tống ghi trong Thiết Vận, Quảng vận đã các lập được ở Việt Nam (hệ thống này về sau sẽ diễn biến dần và chuyển thành cách đọc Hán Việt hiện nay) thì loại Nôm mà chúng ta hiện thấy mới thực sự có đầy đủ tiền đề cần thiết để xuất hiện”. Bửu Cầm 1960 (7) cho rằng chữ Nôm có thể hình thành trong khoảng thế kỷ thứ 8 đến thứ 10, thời kỳ mà xã hội Việt nam đang manh nha tư tưởng và hành động đấu tranh dành độc lập. Bửu Cầm nhấn mạnh rằng “chữ Nôm xuất hiện sau thời Sĩ Nhiếp và phát triển mạnh mẽ vào thời Trần”. Dù vấn đề chữ Nôm hình thành từ lúc nào còn đang là đề tài nghiên cứu, nhưng không ai phủ nhận được rằng chữ Nôm đã đơm hoa kết trái bắt đầu từ thời đại nhà Trần ở thế kỷ thứ 13

Return to “Tạp ghi & Biên khảo”

Who is online

Users browsing this forum: No registered users and 1 guest