Nội ơi! Con nhớ…

User avatar
Tóc Tiên
Bạn thâm giao
Bạn thâm giao
Posts: 1455
Joined: Wed Feb 04, 2015 4:57 am

Nội ơi! Con nhớ…

Postby Tóc Tiên » Sun Jul 26, 2015 4:10 am


Nội ơi! Con nhớ…




Bây giờ thì tóc nội đã trắng phau. Thế là bao nhiêu năm tháng, bao nhiêu gian khổ mưu sinh, bao nhiêu nhọc nhằn khuya sớm đã nhuộm lên mái đầu của nội. Mười năm nội nằm trên giường là mười năm con nhìn nội mà rưng rưng nước mắt. Dẫu biết rằng tuổi già, bệnh tật khó tránh, mà sao con cứ đinh ninh, dù thế nào thì nội vẫn có thể đi lại. Để nội đến nhà con nhà cháu, nhìn con cháu đông đàn, nội vui mà sống thật hạnh phúc những năm tháng còn lại của một cuộc đời lam lũ, tảo tần…Nào ai có ngờ đâu cái ngày định mệnh ấy ập xuống, cướp đi những sinh hoạt thường ngày của nội. Để rồi giờ đây, nhìn mái tóc nội phải cắt ngắn, nhìn nội phải nằm mỏi nằm mòn một nơi, lòng con vô cùng đau xót. Mái tóc dài vấn khăn nâu của nội năm xưa đâu rồi, để con tiếc hoài tiếc mãi…!
Mỗi lần đến thăm nội là mỗi lần tuổi thơ sống bên nội lại hiện về trong con bao nhớ thương thao thiết. Dòng sông nhỏ trong veo, hiền hoà chảy ngang trước nhà nội, là nơi nội hay dắt con ra đó để tắm gội và tập bơi. Dòng sông ấy cũng là nơi nội thường đánh đó, bỏ nơm mỗi ngày, nhờ đó mà con có được nhưng món ăn đồng quê do nội làm. Tới nay, không nghĩ thì thôi, cứ nghĩ đến là con không khỏi bùi ngùi, da diết nhớ cái hương vị đặc trưng của chúng.
Đó là món cá bống kho của nội. Có gì cầu kì đâu mà sao ngon tới vậy. Nội ướp muối mắm, mì, kẹo đắng, nội rắc ít lá gừng tươi cho vào nồi gang gầy củi. Khi nước sắp sắp nội vùi vào vùng tro, bỏ than rồi rắc trấu. Sự gia giảm rất khéo của nội, khiến cho nồi cá bắc ra không bao giờ bị khê, bị cháy do quá lửa.
Những con cá trong nồi đều cho một màu vàng óng, khô cong và săn chắc. Mở vung ra từ xa đã thấy khói toả, mang theo hương thơm của nước mắm, của lá gừng, của cá bống đồng. Con ở trên ăn bùi và dai, con ở dưới, sát đáy nồi thì vừa dai vừa giòn, vừa bùi vừa ngậy. Cái khéo của người làm món này là tro trấu vừa phải, bắc ra đúng tầm, để không cháy không khê, cũng không còn đọng nước, đảm bảo cho con cá khi gắp ra còn nguyên vẹn mà không bị vỡ, bị nát.
Rồi tới mùa nước nổi, phù sa nơi dòng sông Hồng đỏ quạch, chảy tràn vào những nhánh sông nhỏ bên nhà, mang theo những con cua rạm trôi, con nào con nấy vàng khươm, to gần bằng chén con. Ông nhấc đó đem về cả chậu cua. Bà bẻ góng giã nấu canh, còn mình cua thì đập giập kho khô. Cũng con cua ấy, có lần nội lại bóc mu, khêu hết ghạch đem xào món, lần nào cũng vậy, con lại nhong nhong cầm bát sang bà ăn rình. Bà chọn con to nhất, cắn nhỏ, rồi trộn gạch cua vào bát cơm cho con, chỉ hai ba đảo là bát cơm đã vàng khắp, ăn rất béo rất bùi. Còn canh cua nội nấu với rau cải thái nhỏ cũng thật ngon và khác người. Nhìn bát canh riêu đọng thành mảng lớn giữa nồi, màu nước trong xanh, rau vừa chín tới, mùi lá gừng tươi quyện mùi rau cải, đủ thấy bàn tay nội khéo léo chi chút, nâng niu ngọn lửa biết nhường nào!
Giờ đây bếp ga bếp điện đã thay thế bếp rơm bếp rạ của nội năm xưa. Ngồi bên mâm cơm nhiều khi con ngơ ngẩn nghĩ về nội, nhớ về những món ăn nội làm. Con rủ rỉ kể cho hai cháu nghe chuyện về nội, về sự gọn gàng, ngăn nắp của nội. Cơm canh nội nấu, tất cả đều bằng bếp rơm nhưng tuyệt nhiên con không bao giờ thấy một chút bụi tro nào bay vào, ngay cả thành nồi cũng được nội lau sạch trước khi dọn lên nhà. Có người bảo muốn biết sự đảm đang, nếp ăn nếp ở của người phụ nữ đến đâu cứ vào bếp là biết ngay. Quả đúng như vậy, cái bếp của nội lúc nào cũng sạch sẽ, ấm áp suốt bốn mùa, đến một cọng rơm cũng không bao giờ nội để vương để vãi…
Nội ơi, giá như nội còn khoẻ, hẳn cái bếp của nội giờ đây đâu nên nỗi lạnh lẽo thế này. Vắng bóng nội ra vào hôm sớm, vắng bàn tay thu quét của nội, cái bếp thành trống trải, eo sèo. Giá nội còn đi lại được, thì dầu ông không còn nữa, cái đó, cái nơm không có ai đan ai bỏ thì con cũng tìm mua được con cua, con bống về cho nội kho, nội nấu, để cho chắt nội ăn, để cho chúng biết thưởng thức và thấm thía được thế nào là hương vị đồng quê giữa bộn bề cuộc sống hiện đại hôm nay.
Nội nằm đó nhìn thời gian chậm chảy mà lòng con sắt se quay quắt. Càng nhớ thuở thiếu thời bên nội, lòng con càng thương nội, nội ơi!


Nguyễn Văn Nhượng

Return to “Tạp ghi & Biên khảo”

Who is online

Users browsing this forum: No registered users and 1 guest