Không khí – Nước – Lương thực

User avatar
Tóc Tiên
Bạn thâm giao
Bạn thâm giao
Posts: 1455
Joined: Wed Feb 04, 2015 4:57 am

Không khí – Nước – Lương thực

Postby Tóc Tiên » Mon Mar 23, 2015 3:55 am


Không khí – Nước – Lương thực



Image




(Bài viết tặng các em Oanh Vũ và ngành Thiếu)

Các em thân mến! Ngày xưa ông bà ta sống bằng nghề nông và tiểu thủ công nghiệp sống quần cư theo xóm thôn làng xã. Sống gắn bó, yêu thương, nương tựa và giúp đỡ lẫn nhau, phòng ngừa bão lũ dịch họa, tật bệnh, giặc giã, cướp bóc. Nhu cầu của cuộc sống con người là 3 nguồn tài nguyên: Thứ nhất là không khí. Thứ hai là nước uống. Thứ ba là lương thực.

Nguồn tài nguyên quan trọng thứ nhất là KHÔNG KHÍ. Nó quan trọng đến nỗi thiếu nó trong vài ba phút con người có thể chết ngay. Ấy thế mà thiên nhiên, mà tạo hóa đã hào phóng ban tặng miễn phí cho chúng ta. Là con người mà nhất là một Phật Tử ta phải trân trọng biết ơn và cố gắng giữ cho môi trường không khí trong lành không nhiễm ô, cuộc sống mới có thể an lạc và hạnh phúc.

Nguồn tài nguyên quan trọng thứ hai là nguồn NƯỚC. Con người nếu cạn nguồn nước trong một tuần là không cử động được và chết. Nhưng tạo hóa và thiên nhiên cũng lại hào phóng và ban tặng miễn phí cho chúng ta. Chúng ta phải biết ơn và dốc lòng báo trả bằng cách giữ cho môi trường nước luôn luôn trong lành không nhiễm ô. Đó là hành động có trí tuệ, có hiểu biết có văn hóa.

Nguồn tài nguyên quan trọng thứ ba là LƯƠNG THỰC, con người phải lao động canh tác trên đất đai, trên rừng dưới biển vất vã mới có. Ấy thế nhưng con người có dồi dào hai nguồn tài nguyên đầu có thể nhịn ăn cả hàng trăm ngày mà không chết. Ngược lại con người muốn có cái ăn phải bỏ sức lực, của tiền, trí tuệ mới có thể phục vụ cái nhu cầu ẩm thực nầy.

Nay ta nói chuyện với nhau về nguồn tài nguyên thứ nhất:


1. KHÔNG KHÍ

Không khí thuộc thể khí, không có màu, không có mùi, không có vị nên ta không thấy, nhưng ta biết ở đâu cũng có. Trên không, dưới nước, trong đất ở đâu cũng có không khí. Không khí cần cho sự sống, cần cho sự cháy, cần cho sự chuyển động các âm thanh.

Trong các kinh thuộc pháp môn Tịnh Độ, quán sát nghiệm biết sâu sắc sự vận hành của không khí qua hơi thở của từng thể loại chúng sanh mà kiến lập các phương pháp tu trì. Dụ như khi hít vào tôi biết rằng tôi đang hít vào. Khi thở ra tôi biết rằng tôi đang thở ra. Khi hít vào một hơi ngắn tôi biết rằng tôi đang hít vào một hơi ngắn. Khi thở ra một hơi ngắn tôi biết rằng tôi đang thở ra một hơi ngắn… Khi hít vào là đem khí thanh trong vào trong nuôi cơ thể. Khi thở ra là nhả khí trọng trược ra ngoài thân thể. Khi hít vào là đem cả tư duy, trí tuệ, ý nghĩ tốt đẹp làm giàu cho sự sống. Khi thở ra là loại bỏ những tư duy, ý nghĩ và hành động xấu ác ra khỏi thân tâm tôi. Khi tôi thở ra và còn hít vào được. Khi tôi hít vào và còn thở ra được, tôi biết rằng mình còn sống. Như vậy tôi hiểu sự sống và hơi thở không khác. Mà hơi thở thì không có tướng nam, tướng nữ, không có tướng giàu, tướng nghèo, tướng trí, tướng ngu, tướng quý, tướng tiện, từ đó mọi người mọi loài đều bình đẳng, và sự sống là vô cùng thiêng liêng. Và từ đó pháp giới chúng sanh mặc tình ta đăng nhập, đăng xuất. Cực Lạc là đây, Nát Bàn cũng là đây.

Không khí không đến, không đi, đó là ý nghĩa của hai chữ Như Lai và Bát Nhã gọi là Triết lý Tánh Không. Vì, các em thương, vạn vật trên đời hình dáng tuy muôn sai vạn biệt nhưng tánh dụng vốn đồng, đó là TÁNH KHÔNG. Ly trà, ly cà phê, ly cam vắt, ly nước ngọt, ly kem hình thù có khác nhưng tánh đồng là khoảng không để chứa trà sữa, cam, nước ngọt, kem. Em muốn chứa cái gì nó không hề từ chối, anh muốn đổ nó đi, nó không hề tiếc nuối. Tu hành đến chỗ Phật chúng sanh tánh thường rỗng lặng thì vào ra, đến đi, lấy bỏ, tự tại vô ngại; thì thân ta đây cấu uế từ đâu mà lại, trọng trược từ đâu phát sanh?

Bởi vậy người ta nói đạo Phật đến với thế gian như nước, như hư không, chỉ làm tươi nhuận và phát triển cuộc sống ngày một phong phú và hạnh lạc. Chỉ có những thế lực vô minh si mê và lạc hậu mới ngăn cản sự phát triển hoằng hóa của đạo Phật mà thôi. Rất mong các em biết cho.



2. NƯỚC

Nguồn tài nguyên quan trọng thứ hai không những chỉ với con người mà còn là đối với muôn loài chúng sanh, từ hữu tình đến vô tình. Vì thế các nhà khoa học nỗ lực dò tìm nguồn nước trên các hành tinh, vì nơi nào có nước là nơi ấy có sự sống. Các loài thai sinh, noãn sinh, thấp sinh, hóa sinh không có nước không thể sống được. Tiếp đến các loại thực vật, ngũ cốc… không có nước không thể nẩy mầm và duy trì cuộc sống.

Nước do đâu mà có? Dịch học nói “Thiên nhất sinh thủy”, trời số 1 sinh nước. Nước vốn có trong không khí, nhưng mắt trần ta không nhìn thấy được. Nhưng qua đất ta thấy được hình thể của nước. Dịch viết: “Địa lục thành chi”, Địa số 6 chỉ nước, qua suối khe, ao hồ, sông biển. Nước ở thể lỏng, không màu, không mùi, không vị. Tánh của nước là thấm ướt, tẩy rửa. Địa vị của nước là nhường chỗ cao ráo sạch đẹp cho kẻ khác, nhận chỗ trũng thấp làm nơi an cư. Cái đức vô tranh của nước là nguồn năng lực vô biên, các nhà khoa học đã tận dụng năng lực nầy mà kiến lập các nhà máy thủy điện. Trong văn học nhân gian có thành ngữ “Nước chảy đá mòn” cũng không ngoài ý nghĩa đó.

Hãy quan sát lộ trình của nước: Khởi đầu là các khe rất nhỏ ra lạch, ra suối, ra sông nhỏ rồi sông lớn và cuối cùng ra biển. Từ khe ra đến bờ biển nước được gọi là ngọt (thực ra là không vị, vì không có hàm lượng C6H12O6 hay C6 [H10O5]n). Trong quá trình này con người, muôn thú và cỏ cây đều doanh vây quanh nước. Cho nên bài học mưu sinh tìm nguồn nước các anh chị luôn nhắc nhở các em về những hình ảnh nầy. Các nhà hoằng pháp thường hay nói “Đạo Phật như Nước, như Hư Không”, có nghĩa đạo Phật cần thiết cho muôn loài chúng sanh từ hữu tình đến vô tình như nước, như hư không; luôn luôn thường tại và diệu dụng. Nước là nguồn năng lượng quý hóa như thế nhưng thế gian muốn đối xử với nước như thế nào nước vẫn nhẫn chịu và làm hết tánh phận của mình là cung cấp sự sống, tẩy rửa cho sạch dù với bất cứ món bất tịnh nhớp nhúa đến cỡ nào.

Trong xã hội nông nghiệp, đồng bào sống quần cư theo đơn vị xóm làng, thôn xã. Cứ mỗi khu dân sinh vuông vức được chia làm chín ô. Tám ô chung quanh là vườn nhà của dân chúng. Ô chánh giữa là công điền để xây đình thờ Thần Hoàng khai sinh ra làng xã và những công dân ưu tú, những nhân vật lịch sử đem lại sự vẻ vang cho xóm làng. Cộng vào đó là trồng một cây đa và xây một giếng nước công cộng. Bởi ngày xưa chưa có nước máy và giếng khoan, việc đào và xây giếng rất tốn kém, không phải gia đình nào cũng thực hiện được. Giếng làng, giếng xóm là trung tâm thông tin của làng của xóm. Cho nên Quan – Hôn – Tang – Tế của bất cứ nhà ai cũng nhanh chóng được loan truyền.

Nước là nguồn năng lượng sống của tạo hóa ban tặng cho chúng sanh, không dành cho riêng ai. Không ai có quyền tước đoạt quyền xử dụng tài nguyên nầy mà đem bán. Hai chữ BÁN NƯỚC có ý nghĩa cực kỳ xấu xa không ai muốn nói ra cửa miệng dù hiểu theo nghĩa bóng hay nghĩa đen. Ngày xưa đất nước còn quá ư nghèo khó, ở bến xe, nhà ga, bến cảng… có những người bán nước chè xanh hay trà đá, người ta cũng gọi trệch đi là “ĐỒI NƯỚC”. Nền văn hóa nước ta nặng tính nhân bản như vậy, được lưu truyền từ đời nầy đến đời kia thành một hiến ước không thành văn mà tạo thành nền VĂN HIẾN nước nhà có gần đến năm ngàn năm. Cho nên chuyện cuộc sống của mỗi nhà trong ý nghĩa đồng bào thì nó không còn là chuyện riêng tư của ai mà là của cộng đồng tức là chuyện của NHÀ NƯỚC là chuyện của QUỐC GIA. Bởi vậy, quân Nguyên Mông xâm lăng nước ta, vua nhà Trần bèn họp Hội Nghị Diên Hồng để trưng cầu dân ý là “NÊN HÒA HAY NÊN CHIẾN” và Hưng Đạo Đại Vương mới viết HỊCH TƯỚNG SĨ động viên ba quân và toàn dân một lòng bảo vệ quê hương.

Cho nên không có nước, chúng sanh sẽ chết, thảo dã cũng không còn. MẤT NƯỚC nhân cách của con người không còn, chỉ còn thân phận của kẻ nô lệ. Tốt đẹp gì mà rủng rỉnh ngựa xe, vinh quang gì mà đi lại, nói cười ngạo nghễ.

Do vậy là Thiếu Niên, Nhi Đồng, anh chị em chúng mình phải biết ơn nước và dốc lòng báo trả, bảo vệ nguồn tài nguyên nước, bảo vệ môi trường cuộc sống. Đừng bao giờ làm kẻ bán nước phản bội quê hương, ngược lại phải tài bồi với bất cứ giá nào để không thẹn với Tổ Tiên liệt đại tiền nhân.



3. LƯƠNG THỰC

Nguồn tài nguyên quan trọng thứ ba đối với loài người đó là LƯƠNG THỰC. Nguồn tài nguyên nầy gồm có NÔNG-LÂM-HẢI SẢN mà thực chất đó là những sản phẩm có được trên hành tinh mang tên là quả đất này. Ai cũng biết hành tinh này là của chúng ta, không ai chối cải điều đó, nhưng mỗi quốc gia có một vùng lãnh thổ, vùng trời và vùng biển (nếu có) được phân định rõ ràng với một nền lịch sử, văn hóa, chính trị, xã hội… với những bản sắc đặc thù riêng. Điều anh muốn nói cùng các em ở đây là trên giang sơn tổ quốc của mỗi nước, ấp ũ trọn vẹn hình hài của bao anh hùng, tổ tiên, ông bà và liệt đại tiền nhân của nước ấy. Do đó Phật dạy phàm làm người, trước tiên phải giữ đạo hiếu. Ngài nói: “Hiếu hạnh là Phật hạnh; Hiếu tâm là Phật tâm. Điều lành cao cả nhất là đạo hiếu. Điều ác cực trọng là bất hiếu. Sinh vào thời không có Phật, thờ cha kính mẹ tức là đã cúng dường Phật vậy”; và phải báo “TỨ TRỌNG ÂN”:

- Ân Cha Mẹ ta vừa nói.

- Ân Tổ Quốc ta phải xả thân. Văn học nhân gian chúng ta có rất nhiều thành ngữ nói về vấn đề nầy như: Giặc đến nhà đàn bà phải đánh. Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách v.v. . .

- Ân Thầy Bạn: Chúng ta có hai hạng thầy bạn. Thầy bạn ngoài đời, thầy bạn trong đạo, chúng ta thảy đều cung kính.

- Ân Chúng sanh hay ân quốc dân đồng bào.

Nếu thực hiện được như vậy thế giới nầy là một thế giới hòa bình đầy ắp nghĩa tình, khoan dung và độ lượng. Nói tóm lại nguồn tài nguyên thứ ba anh muốn nói đến hai chữ rất thân thương là TỔ QUỐC. Tổ Quốc còn có tên gọi nôm na, bình dân là GIANG SƠN hay SÔNG NÚI. Trong vũ trụ có Tam Tài là THIÊN-ĐỊA –NHÂN. Đất trời thì siêu nhiên, con người thì hữu hạn, nhưng tính tương tục không mất, nên có những trưng triệu gởi gắm cho nhau chớ có vô tình làm ngơ bỏ qua, như “sông cạn núi lở” thì quốc phá gia vong. Bão lũ tràn lan là đất trời nổi giận. Nắng hạn, cơ hàn là tham tàn nhũng nhiễu. Kẻ trí xem trưng triệu mà sử mình không lỗi, tránh họa tai. Kinh thư ghi lại không thiếu những thông điệp của đất trời gởi đến cho thế hệ của chúng ta. Và tuyệt nhiên không bao giờ nói đến việc chia cắt giang sơn. Kẻ nào chia cắt giang sơn, phần đông tổ quốc của họ sẽ biến mất trên bản đồ thế giới, chớ có coi thường!

Em ơi! Nghĩa ngắn gọn nhất của Tổ Quốc là đất đai. Mất đất đai là mất Tổ Quốc đó. Tố chất của đất là NHẪN. Đất cho con người và muôn loài lương thực, thực phẩm nhưng đất không bao giờ kể công. Nếu em không biết ơn đất và ném xuống đây cả bom lẫn đạn dày xéo thân thể đất, đất vẫn sanh cây ngọt trái lành. Em phóng uế lên đất, đất lại cho em năng suất cao hơn, đất màu mở hơn, phì nhiêu hơn. Và cuối cùng, khi em chết đất vẫn dang tay ôm em vào lòng như đã tha thứ và vổ về biết bao đứa con nghịch tử.

Chúng ta tu theo đạo Phật, hãy quán xem Tâm mình như Đất nên gọi là Tâm Địa. Đã có tâm địa thì năng sanh vạn loại công đức lành. Nhưng phải nhớ siêng chăm cày xới và gieo trồng những chủng tử thiện lành. Chúc các em luôn có tâm địa lành để nở hoa nhân cách phẩm hạnh. Một nền giáo dục mà bỏ chữ HIẾU là một nền giáo dục què quặt, năng sanh thứ văn hóa côn đồ, bất hão, bào mòn tính nhân bản, xóa mất cái bản sắc dân tộc, tàn lụi nền văn hiến quốc gia. Xót xa thay./.

THỊ NGUYÊN

Return to “Thiền phòng”

Who is online

Users browsing this forum: No registered users and 1 guest