Tam Pháp Ấn

User avatar
Tóc Tiên
Bạn thâm giao
Bạn thâm giao
Posts: 1455
Joined: Wed Feb 04, 2015 4:57 am

Tam Pháp Ấn

Postby Tóc Tiên » Sun Apr 19, 2015 3:38 am

Tam Pháp Ấn



Image



Kinh sách Phật Giáo nhiều vô số kể. Tam tạng kinh điển Phật Giáo: Kinh, Luật, Luận có tới hàng chục vạn quyển. Chẳng thế mà người ta ví rằng, một vị tu hành Phật Giáo, nếu lần giở tuần tự từng trang sách, chứ chưa nói đến việc đọc hiểu, thì cả cuộc đời vẫn chưa lần giở xong kinh sách của Phật Giáo. Có lẽ trong các tôn giáo trên thế giới, Phật Giáo là tôn giáo lâu đời và có số kinh điển nhiều nhất.

Trong khi đó, nhiều nhóm lợi dụng tôn giáo đang lợi dụng hình ảnh, giáo lý của Phật Giáo để sáng tác ra kinh điển không phải chính thống của Phật Giáo, khiến cho người học Phật khó phân biệt.

Cũng chính vì lý do đó mà đối với một người học Phật sơ cơ, mới bắt đầu tiếp cận đến kinh sách Phật Giáo, nếu không có dấu hiệu nhận biết sẽ không thể phân biệt đâu là kinh sách Phật Giáo, đâu là kinh sách ngoại đạo. Biết trước được điều này, Đức Phật khi còn tại thế, trong suốt cuộc đời hoằng pháp độ sinh của mình, dù nói pháp nào, dù giảng kinh nào, Ngài đều đưa vào trong đó những nội dung mang tính xuyên suốt, được coi là dấu hiệu nhận biết chân pháp điển. Đó là Tam Pháp Ấn – ba pháp ấn chứng là pháp Phật.

Các tác phẩm Luận Trí Độ (quyển 12) và Pháp Hoa Huyền Nghĩa (quyển 8) đều có nhắc đến Tam Pháp Ấn này. Đặc biệt trong Phật Giáo Nguyên Thủy, tất cả kinh điển đều lấy ba pháp ấn này để chứng tỏ rằng đó là kinh điển do Phật thuyết và được chúng đệ tử kết tập, ghi chép lại. Phật Giáo Nam Truyền chỉ thừa nhận và đọc tụng kinh điển do chính đức Phật khi còn tại thế nói ra. Đó là tinh thần Phật Giáo Nguyên Thủy. Người học Phật cần ghi nhớ kỹ trong đầu ba điều chứng thực này. Tam Pháp Ấn gồm: Vô Thường – Vô Ngã – Niết Bàn.

Vô Thường nói đầy đủ là Chư Hành Vô Thường Ấn. Hành là ý nói đến sự đổi dời, là sự vận động, biến đổi của các pháp hữu vi, có hình tướng mà ta có thể nhìn thấy và cảm nhận được bằng trực giác; từ ngọn núi đến cọng cỏ, từ thân xác đến hơi thở… Các hành đó luôn luôn sinh diệt, luôn biến đổi và đều là vô thường (không thường hằng, không vĩnh cửu). Trong một đơn vị nhỏ nhất của thời gian mà Phật Giáo gọi là sát-na, có ngàn vạn pháp sinh và pháp diệt. Những thứ ta nhìn nhận được bản chất là không ổn định, là vô thường. Vì vậy, bất kỳ kinh nào Phật thuyết, Ngài đều cho rằng cuộc đời là giả tạm, và vạn pháp là do nhân duyên tụ tán mà thành, mà hoại. Tất cả đều trải qua quá trình sinh-trụ-dị-diệt. Không có thứ nào là không biến đổi. Biết được điều đó là đã hiểu lẽ vô thường.

Vô Ngã hay nói đầy đủ là Chư Pháp Vô Ngã Ấn. Nếu danh từ hành chỉ giới hạn trong pháp hữu vi, có hình tướng cụ thể, có thể nhận biết bằng giác quan, thì danh từ pháp lại chỉ chung cho cả pháp vô vi, không hình tướng, không thể cảm nhận bằng giác quan con người. Chư Pháp Vô Ngã Ấn là ý nói trong hết thảy mọi pháp hữu vi, cũng như vô vi, đều không có thực thể của ngã. Nghĩa là không có pháp nào là do bản thân nó, không do tự thể sinh diệt, đều do duyên hợp mà thành, duyên tán mà mất. Vạn pháp như thế là đều vô ngã. Vạn pháp đều do đối đãi, có cái nọ nên có cái kia. Cái này sinh nên cái kia sinh. Cái này diệt nên cái kia diệt. Cái này là nhân duyên của cái khác. Vạn pháp cứ vì có nhân, có duyên như thế mà luôn hóa hiện, biến đổi không ngừng. Đây là điều Đức Phật muốn chỉ bày cho hàng đệ tử phải ý thức được rằng không có bản ngã, không có cái ta. Đến như thân mình cũng đều do nhân duyên giả tạm mà thành; và thân hư huyễn đó cũng sẽ không còn nếu nhân duyên sinh ra nó thay đổi. Phải nhận chân được điều ấy thì bậc hành giả mới an nhiên, tự tại, không chấp ngã. Đó chính là cơ sở của sự giác ngộ, giải thoát.

Niết Bàn ở đây là nói tắt của Niết Bàn Tịch Tĩnh Ấn. Ý nói Phật chỉ dạy pháp Niết Bàn cho đồ chúng Phật Tử tu hành, diệt mọi khổ đau về sinh tử luân hồi. Đó là sự tịch tĩnh vô vi. Kinh Phật, dù là kinh gì cũng phải hướng con người đến sự giải thoát luân hồi, chứng nhập cảnh giới Niết Bàn thường lạc. Kinh Phật phải chỉ ra được cảnh giới Niết Bàn là tịch tĩnh, là an lạc, là không sầu khổ và đoạn tận luân hồi. Chứng nhập Niết Bàn là chứng nhập vô sinh diệt.

Song song với đó, kinh Phật cũng phải chỉ ra cho người tu phương pháp tu hành lợi lạc để đắc được quả vị Vô Thượng, chứng nhập cảnh giới Niết Bàn. Niết Bàn là nơi cần phải đạt đến, là mục đích tối thắng của người tu theo Phật Giáo, dù là Niết Bàn Hữu Dư Y (trong cõi Ta-bà hiện tại, còn thân tứ đại, còn thọ khổ, như Đức Thích Ca trong thế giới này) hay Niết Bàn Vô Dư Y (trong cõi cai quản của Đức Phật Di Lặc).

Như vậy, bất kỳ một quyển kinh nào, nếu là kinh điển của Phật Giáo đều phải cùng một lúc đề cập đến 3 nội dung Tam Pháp Ấn như nói ở trên. Nếu không, đó không phải là kinh điển Phật Giáo.

Ngoài ra, theo quan điểm của Phật Giáo Nguyên Thủy, kinh Phật phải có nguồn gốc Phạn bản (hay Phạn ngữ), phải có gắn bó và có dấu vết của văn hóa Ấn Độ. Vì lẽ hiển nhiên rằng, Phật Giáo phát sinh tại Ấn Độ. Vả nữa, khi còn tại thế Đức Thích Ca Mâu Ni chỉ thuyết pháp mà không hề cho ghi thành văn bản. Chỉ khi Ngài nhập diệt thì chúng đệ tử mới kết tập kinh điển và hệ thống hóa thành văn bản. Dạng thức văn bản đầu tiên của kinh điển Phật Giáo được ghi lại bằng chữ Phạn, một loại ký tự Ấn Độ cổ. Cũng theo đó, KINH bao gồm hai nghĩa: THƯỜNG và NHIẾP. Thường là không biến đổi, cổ kim thời gian có khác, đông tây quốc độ có sai biệt nhưng đường lối giác ngộ là không thay đổi. Nhiếp là gồm hết thảy huyền vi để mở mang trí tuệ con người, đưa người chưa giác ngộ cùng tu tập để thoát khỏi bể khổ, bến mê mà sang bờ giác.

Tuy nhiên, theo tinh thần Đại Thừa Phật Giáo, kinh điển Đại Thừa chỉ dùng một Thực Tướng Ấn, ấn chứng rằng đó là Liễu Nghĩa Giáo Đại Thừa. Vì cớ, theo pháp Tứ Y, bốn thứ y theo về pháp, gồm:

1. Y Pháp Bất Y Nhân: Y theo pháp Phật chẳng phân biệt người thuyết pháp là ai.

2. Y Nghĩa Bất Y Ngữ: Dựa theo nghĩa lý chứ không chấp vào ngôn ngữ.

3. Y Trí Bất Y Thức: Thức là tâm vọng tưởng khởi lên khi lục căn đối với lục trần, đam mê, chẳng giác ngộ. Trí là cái đức soi tỏ của bản tâm, có thể khế hợp với pháp tính. Người học đạo nên dẹp bỏ vọng thức, phát khởi chân trí.

4. Y Liễu Nghĩa Kinh Bất Y Bất Liễu Nghĩa Kinh: Chỉ y theo kinh mà kinh đó chỉ rõ nghĩa thực tướng, nghĩa là kinh chỉ bày làm cho người tu hiểu rõ và thành tựu được cứu cánh Niết Bàn.

Như vậy, theo quan điểm của Phật Giáo Đại Thừa, bất kể là kinh, luận do Phật thuyết hay do chư Bồ Tát, Thánh Tăng luận chế, nếu không xa rời, không trái ngược với tâm ý Phật thì đều được người học đạo Đại Thừa chấp nhận, thụ giáo. Miễn là những kinh điển đó cuối cùng cũng chỉ dạy người tu đạt đến cảnh giới Niết Bàn.

Sự khác biệt về quan niệm trên đây là nguyên nhân của sự phân biệt Tiểu Thừa (Nguyên Thủy) và Đại Thừa (Phát Triển). Tuy nhiên, nếu xét đến cùng, dù là phương cách nào, dù có ít nhiều sự khác nhau, như Đức Phật nói Như Lai khai thị tám vạn bốn ngàn pháp môn những mục đích cuối cùng là chỉ bày cho người tu đạt đến giải thoát khổ ải, chứng nhập Vô Thượng Bồ Đề nơi cảnh giới Niết Bàn thường lạc. Nếu như vậy thì Tam Pháp Ấn của Phật Giáo Nguyên Thủy hay Thực Tướng Ấn của Phật Giáo Phát Triển cũng chỉ là một. Đó chính là dấu hiệu nhận biết kinh điển chính thống của nhà Phật, do chính Đức Phật chỉ bày để cứu độ chúng sinh./.

YÊN SƠN

Return to “Thiền phòng”

Who is online

Users browsing this forum: No registered users and 1 guest