Cái "Thiệt Có" Là "Không"

User avatar
Tóc Tiên
Bạn thâm giao
Bạn thâm giao
Posts: 1455
Joined: Wed Feb 04, 2015 4:57 am

Cái "Thiệt Có" Là "Không"

Postby Tóc Tiên » Sun May 17, 2015 3:35 am


Cái "Thiệt Có" Là "Không"



Cái Thiệt Có đã là Không, thì cái Không nầy nhất định không phải là không-ngơ, (ngoan không hay ngoan hư không), vì nếu thiệt là không-ngơ thì có gì mà bảo là Thiệt Có được? Cũng không phải là cái Không của người bảo chết là hết, là không! Cũng không phải cái không của suy luận, theo thuyết giả danh. Thí dụ chúng ta nói cái xe, nhưng cái xe thật sự là cái gì, và đố tìm ra cái xe ngoài những bánh, thùng, gọng v.v... Hay chúng ta nói "con người", nhưng con người là cái gì thử chỉ xem, trong khi sự thật là bao xương thịt kết cấu với một mớ tình cảm, tư tưởng .... vậy thôi! Vậy những cái mà chúng ta gọi là xe, là con người, toàn là giả danh, không có thật, là "Không". Nhưng cái "Không" nầy cũng không phải là cái "Không" đề cập trong kinh Bát Nhã.


Vậy cái Không mà Thật Có nầy là một cái gì chúng ta chưa khám phá ra được, mà dầu có khám phá ra được, cũng không biết gọi thế nào cho đúng, nên tạm đặt cho nó cái tên "Không", để chỉ rằng cái ấy khác với cái "Có" của thế tình.


Vì Không mà Thật, nên gọi là "Chơn Không".


Vì Không mà lại Có, nên gọi là "Diệu Hữu", một cái "Có" lạ lùng, bí hiểm, huyền diệu.


Trong cái trứng, đố ai tìm ra con gà, thế mà từ trong cái trứng lại xuất hiện một con gà. Phải chăng con gà là cái "Có" do một cái "Không" mà ra, nghĩa là do một cái gì mình không thấy được. Vậy phải chăng trong cái "Không" ấy có con gà, nhưng có một cách thần diệu lạ lùng, không thể nghĩ bàn.


Không có cái "Không" kỳ diệu ấy thì không có gì hết. Vậy giữa Không và Có quả có một sự tương quan mật thiết, hay để nói cho đúng, tuy hai mà một, vì như Kinh đã nói: Có tức là Không, Không tức là Có.


Cái Một ấy khi ẩn và tĩnh, là Không, mà hễ nó hiện và động là Có.


Tại sao biết "Ngũ Uẩn đều không" thì lướt qua mọi khổ ách?


Như đã nói, Ngũ Uẩn là thân và tâm, hay là "con người", một cá thể do vật chất và tinh thần hợp thành, hoặc nói rộng ra, là vạn vật trong vũ trụ, vì vạn vật cũng thế.


Tại sao hễ biết Ngũ Uẩn đều "Không" thì lướt qua mọi khổ ách? Ngài Minh Chánh thiền sư đáp: " Biết con người không thật có, cái "ta" không thật có, thì còn ai đâu mà thọ khổ? Huống chi khổ ách cũng "Không" như cái "ta", thì làm gì mà không lướt khỏi? ".


Chúng ta thử hiểu theo một lối khác.

Tất cả những phiền não, lo nghĩ, khổ sở của chúng ta do đâu mà ra, há không phải do cái thân ngũ uẩn mà chúng ta lầm tưởng là "ta" mà ra ư? Thân kêu đói, chúng ta tưởng lầm là "ta thật" đói, thân đòi xem hát, chúng ta cũng tưởng lầm là "ta thật" thèm xem hát. Gặp việc trái với thói quen, với quan niệm, với thành kiến của chúng ta, chúng ta giận và tin rằng "ta thật" giận, nhưng thật ra đó chỉ là một phản ứng hoặc của cơ thể, hoặc của thói quen, và không can cập gì đến cái "ta thật" hết.


Một tu sĩ Ấn-độ giáo, ngài Vivekananda có thuật một câu chuyện ngụ ngôn cổ như sau: Một con sư tử cái có mang gần ngày sanh, nằm đói xếp ve trong bụi rậm đã mấy ngày. Một đàn cừu đi ngang. Mừng quá, sư tử cái thu hết tận lực lao mình vào đàn cừu. Không dè vì nhảy quá mạnh, chị ta sảo thai và ngã chết. Sư tử con được đàn cừu nuôi dưỡng. Từ ấy, cho đến trưởng thành, sư tử con sống đời sống của cừu, ăn thì ăn cỏ, kêu thì be be. Một hôm, một con sư tử già đi kiếm mồi, khi gặp đàn cừu và vừa muốn ra tay thì cả đàn hoãng hốt phát chạy như giông. Sư tử già dợm đuổi theo bổng thấy trong đám cừu có một sư tử. Hết sức ngạc nhiên, sư tử già cất tiếng kêu. Nhưng anh càng rống, đàn cừu càng chạy bay, luôn cả cái chú sư tử nhỏ thấy trong bầy.

Sư tử già lập tâm khám phá cho ra cái bí mật nầy. Tình cờ một hôm anh ta gặp chú sư tử con nằm ngủ một mình dựa khe suối. Nhón gót lại gần, và để cho chú chàng đừng kinh khủng, sư tử già mới thò miệng vào tai nói nhỏ: "Mầy là sư tử, sao lại làm thói cừu non như vậy?" Chú chàng tỉnh giấc, mở mắt thấy ông đầu xồm, run lên như cầy sấy: "Lạy ông tha cho, tôi chỉ là một cừu non vô tội". Sư Tử già bèn lôi chú chàng đến sát mé khe và bảo:


"Mầy thử ngó xuống nước coi!" Chú chàng nhướng đôi mắt nom. Quái! Sao mình cũng giống đầu bờm, cũng nanh nhọn, oai phong lẫm liệt như ông tướng nầy ? À! đúng rồi, mình là sư tử chớ đâu phải cừu. Nghĩ tới đây, sư tử cừu ta gầm lên một tiếng chuyển động núi rừng rồi nhảy một cái vào rừng.

Thôi rồi đời sống cừu con!


Toàn thể chúng ta là sư tử mà vì cứ lầm tưởng mình là cừu nên bấy lâu nay đã sống đời cừu. Cứ ngó xuống dòng nước Bát Nhã, sẽ thấy mình không phải cừu phàm phu ngũ uẩn, sống trong sợ hãi ưu phiền, mà là sư tử Phật tánh Chơn không, chúa tể sơn lâm vũ trụ, không gì làm mình phiền sợ được. Hết phiền sợ, mà không bảo là "độ nhứt thiết khổ ách" thì bảo là gì?




(trích BÁT NHÃ TÂM KINH)

Return to “Thiền phòng”

Who is online

Users browsing this forum: No registered users and 1 guest